Biển Đông là gì? Nằm ở đâu? Tên gọi với mỗi quốc gia thế nào?

Biển Đông là gì? Nằm ở đâu? Vai trò của Biển Đông đối với nên kinh tế Việt Nam ra sao? Hiện nay có các quốc gia nào tranh chấp trên Đông Hải?

Cùng Epacket Việt Nam khám phá nhé!

Biển Đông

Biển Đông là gì?

Biển Đông là tên riêng mà Việt Nam dùng để gọi vùng biển có tên quốc tế là South China Sea (tiếng Anh, nghĩa là biển ở phía Nam Trung Quốc) hay Mer de Chine méridionale (tiếng Pháp), là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km².

Vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan thuộc Biển Đông. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa một vài quốc gia trong vùng.

Biển Đông nằm ở đâu?

Biển Đông là một biển nửa kín, nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, với diện tích khoảng 3,5 triệu km2 trải rộng từ vĩ độ 30 lên đến vĩ độ 260 Bắc và từ kinh độ 1000 đến 1210 Đông. Biển Đông tiếp giáp với 9 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Bruney, Malayxia, Singapore, Thái Lan, Camphuchia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan.

Biển Đông có vị trí chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới.

Vị trí Biển Đông

Biển Đông rộng bao nhiêu?

Biển Đông rộng với diện tích khoảng 3.500.000 km² (3.447.000 km²)

Tên gọi Biển Đông tại các quốc gia

Trong thực tế thì mỗi quốc gia lại gọi Biển Đông của chúng ta theo tên khác nhau:

Tên gọi Biển Đông của Việt Nam

Tại Việt Nam, tên gọi Biển Đông là tên gọi truyền thống, trước kia còn gọi là bể Đông hay Đông Hải theo từ Hán Việt, có nghĩa là vùng biển nằm ở phía đông Việt Nam.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, mục Dư địa chí chép:

  • Xét trong sách vở đã ghi chép, đất nước ta phía đông đến biển, phía tây giáp Vân Nam,…

Trong Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú viết:

  • 其地西接哀牢,東臨大海,南夾廣南,北連乂安。/ Kỳ địa tây tiếp Ai Lao, đông lâm đại hải, nam giáp Quảng Nam, bắc liên Nghệ An. / Đất [Đàng Trong phía tây tiếp giáp Ai Lao, phía đông [là] biển lớn, đoạn phía nam là Quảng Nam, phía bắc nối liền với Nghệ An.

Trong Bình Ngô đại cáo, Biển Đông được nhắc đến với tên gọi là Đông Hải (東 海). Nguyễn Trãi viết:

“決東海之水不足以濯其污
罄南山之竹不足以書其惡

Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.

Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi. ”

- Bình Ngô đại cáo

Sử gia Trần Trọng Kim (1919) từng chép lại lời Bà Triệu rằng:

Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông, quét sạch bờ-cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối, chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta.

- Việt Nam sử lược

Thời Nhà Nguyễn, người Việt cũng vẫn gọi Biển Đông là bể Nam nhưng bằng chữ Nôm, với nghĩa là bể (biển) nước Nam, khác biệt với Nam Hải bằng chữ Hán theo cách viết văn tự chữ Hán (gọi theo người Trung Hoa).

Trong cuốn Đại Nam Quốc sử Diễn ca (1870), viết bằng chữ Nôm với thể thơ lục bát, đoạn An Dương Vương mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà có viết như sau (ở đây Bể Nam và Nam Hải tương đương về vần luật và dấu thanh, nhưng Bể Nam được dùng mà không phải là Nam Hải):

“ …Kim qui đâu lại hiện linh,
Mới hay giặc ở bên mình không xa.
Bây giờ Thục chúa tỉnh ra,
Dứt tình, phó lưỡi Thái a cho nàng.
(𣷭南)Bể Nam đến bước cùng đàng,
Văn tê theo ngọn suối vàng cho xuôi… ”

– Đại Nam Quốc sử Diễn ca

Tên gọi biển Đông theo của phương Tây

Tên gọi phổ biến nhất của biển này trong hầu hết các ngôn ngữ thường là “biển Nam Trung Hoa“, mang ý nghĩa là vùng biển nằm ở phía nam của đại lục địa Trung Quốc (South China Sea). Do tại Trung Quốc “Biển Đông” (Đông hải) được dùng để chỉ biển Hoa Đông nên cần chú ý phân biệt để tránh lẫn lộn hai khái niệm “Biển Đông” khác nhau này.

Tên gọi quốc tế của Biển Đông ra đời từ nhiều thế kỷ trước, là biển Nam Trung Hoa (South China Sea) hay gọi tắt là biển Hoa Nam vì thời bấy giờ Trung Quốc là nước rộng lớn nhất, phát triển nhất trong khu vực và có giao thương với phương Tây qua con đường tơ lụa.

Tên gọi nhiều biển, đại dương vốn căn cứ vào vị trí của chúng so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu, không có ý nói về chủ quyền, cần tránh nhầm lẫn.

Có thể kể ra các thí dụ là Ấn Độ Dương, là đại dương ở phía nam Ấn Độ, giáp nhiều nước ở châu Á và châu Phi, không phải là của riêng nước Ấn Độ; hay biển Nhật Bản, được bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Biển Đông

Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc

Trải dài hàng nghìn năm Bắc thuộc – Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương, nghĩa là biển Giao Chỉ.

Thời Hán và Nam Bắc triều, người Trung Quốc gọi biển này là “Trướng Hải” (Hán văn phồn thể: 漲海, Hán văn giản thể: 涨海), “Phí Hải” (Hán văn: 沸海), từ thời Đường dần dần đổi sang gọi là “Nam Hải” (南海). Hiện tại “Nam Hải” là tên gọi quan phương của biển này ở Trung Quốc.

Từ thời cận đại, do tên gọi của biển này trong nhiều ngôn ngữ mang ý nghĩa là biển nằm ở phía nam Trung Quốc nên khi dịch sang Trung văn đã làm phát sinh thêm tên gọi “Nam Trung Quốc Hải” (giản thể: 南中国海, phồn thể: 南中國海) và “Trung Quốc Nam Hải” (phồn thể: 中國南海, giản thể: 中国南海).

Thất Châu Dương là vùng Biển Đông nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ngày nay, ở phía đông nam đảo Hải Nam. Nam Dương là tên người Trung Quốc thế kỷ 19 gọi phần lớn Biển Đông, trừ vịnh Giao Chỉ (tức vịnh Tonkin hay vịnh Bắc Bộ).

Cách gọi theo Philippines

Philippines gọi là biển Luzon (theo tên hòn đảo lớn Luzon của Philippines) hoặc biển Tây Philippines (West Philippines Sea).

Cách gọi theo bán đảo Đông Dương

Theo một số tài liệu hàng hải, bản đồ cũ vùng biển này còn được gọi là Đông Dương Đại Hải (東洋大海), nghĩa là biển lớn cạnh bán đảo Đông Dương.

Cách gọi theo khu vực Đông Nam Á

Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng về phân chia chủ quyền vùng biển, đã có quan điểm của một số học giả – sử gia đề xuất đổi tên biển thành “biển Đông Nam Á” (“Southeast Asia Sea”) hay biển Đông Nam châu Á (South East Asia Sea) – là một tên gọi trung lập.

Tên gọi này bắt nguồn từ việc khu vực kinh tế Đông Nam Á đang là thị trường năng động đang đà phát triển; các nước khu vực Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của “Biển Đông” với tổng chiều dài bờ biển vào khoảng 130.000 km trong khi đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía nam Trung Quốc chỉ vào khoảng 2.800 km

Giới hạn Biển Đông

Tổ chức Thủy văn học Quốc tế đề ra giới hạn của Biển Đông như sau:

Ở phía Đông

Xuất phát từ Tanjong Sambar, đi qua bờ phía tây đảo Borneo đến điểm phía bắc Tanjong Sampanmangio, rồi theo một đường thẳng đến các điểm phía tây của đảo Balabac và cụm rạn đá Secam, hướng đến điểm phía tây của đảo Bancalan và đến mũi Buliluyan (điểm tây nam của đảo Palawan), băng qua đảo này đến điểm phía bắc mũi Cabuli, rồi từ đây đến điểm tây bắc của đảo Lubang và đến mũi Fuego (14°08’B) thuộc đảo Luzon, băng qua đảo này đến mũi Engaño (tức điểm đông bắc của đảo Luzon), rồi sau đó đi dọc theo một đường thẳng nối mũi này với điểm phía đông của đảo Balintang (20°B) và điểm phía đông của đảo Y’Ami (21°05’B), rồi từ đây hướng đến Garan Bi (mũi phía nam của đảo Đài Loan (Formosa), băng qua đảo này đến điểm đông bắc của Santyo (25°B).

Biển Đông

Ở phía Tây

Đất liền châu Á, giới hạn phía nam của vịnh Thái Lan và bờ biển phía đông bán đảo Mã Lai.

Ở phía nam

Giới hạn phía đông và phía nam của eo biển Singapore và eo biển Malacca, phía tây đến Tanjong Kedabu (1°06′B 102°58′Đ), trải xuống bờ biển phía đông đảo Sumatra tới mũi Lucipara (3°14′N 106°05′Đ) rồi đến Tanjong Nanka – cực tây của đảo Banka – băng qua đảo này đến Tanjong Berikat (2°34′N 106°51′Đ) rồi đến Tanjong Djemang (2°36′N 107°37′Đ) trên đảo Billiton, sau đó men theo bờ biển phía bắc đảo này đến Tanjong Boeroeng Mandi (2°46′N 108°16′Đ) rồi từ đó đến Tanjong Sambar (3°00′N 110°19′Đ) – cực tây nam của đảo Borneo.

Ở phía Bắc

Từ Fuki Kaku – điểm phía bắc của đảo Đài Loan – đến đảo Ngưu Sơn, rồi sau đó đến điểm phía nam của đảo Bình Đàm (25°25’B) rồi hướng về phía tây dọc theo vĩ tuyến 25°24’B tới bờ biển Phúc Kiến.

Tổng quan giới hạn

Biển nằm trên một thềm lục địa ngầm; trong những kỷ băng hà gần đây nước biển đã hạ thấp xuống hàng trăm mét, và Borneo từng là một phần của lục địa châu Á.

Các nước và lãnh thổ có biên giới với vùng biển này (theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc) gồm: đại lục Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều con sông lớn chảy vào Biển Đông gồm các sông Châu Giang, Mân Giang, sông Cửu Long (Phúc Kiến), sông Hồng, sông Mê Kông, sông Rajang, sông Pahang và sông Pasig.

Địa danh nổi tiếng tại biển Đông

Vịnh Bắc Bộ là phần Biển Đông giữa miền Bắc Việt Nam với Đảo Hải Nam miền Nam Trung Quốc. Bờ phía tây là bờ biển Việt Nam từ Thanh Hóa đến Móng Cái. Phía bắc từ Móng Cái trở sang phía đông là 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc với bán đảo Lôi Châu. Bờ đông là đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Trong vịnh có hàng nghìn đảo nhỏ, với các đảo trong vịnh Hạ Long được UNESCO xếp loại là di sản thiên nhiên thế giới. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam ở giữa vịnh, có diện tích khoảng 2,5 km².

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông đã được nhiều chính quyền Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền từ nhiều thế kỷ qua. Quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ một phần từ năm 1956 và chiếm giữ hoàn toàn từ năm 1974. Tranh chấp chủ quyền, một phần hay toàn bộ, cũng đã diễn ra tại quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Những lý do chính để các nước tranh chấp chủ quyền hai quần đảo trên là:

  • Diện tích lãnh hải với đặc quyền kinh tế và việc triển khai quốc phòng.
  • Biển Đông nằm trên một trong những đường giao thông hàng hải lớn trên thế giới, có nguồn thủy sản và tiềm năng dầu khí.

Hiện nay sự tranh chấp đang được các bên thương lượng đàm phán vì sự hòa bình và ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế.

Vịnh Hạ Long

Các đảo và đá ngầm tại Biển Đông

Phía đông bắc Biển Đông có quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) hiện do Đài Loan quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Phía tây bắc Biển Đông cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 200 km, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 235 km có quần đảo Hoàng Sa với 18 đảo, cồn cát và 22 đá, bãi (theo giáo sư Sơn Hồng Đức, thì có đến 230 đảo, cồn, đá, bãi). Phú Lâm là đảo lớn nhất.

Độ cao tuyệt đối lớn nhất là 14 m, đo được tại một điểm trên đảo Đá. Quần đảo này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhưng Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Phía đông quần đảo Hoàng Sa có các bãi và núi ngầm như bãi ngầm Macclesfield, núi ngầm Stewart, bãi ngầm/cạn Truro và bãi cạn Scarborough.

  • Bãi cạn Scarborough: Nằm về phía đông của bãi Macclesfield, gần bờ biển Philippines. Đây là một bãi san hô sâu khoảng 15 m.
  • Bãi ngầm Truro: Nằm về phía đông bãi cạn Scarborough, sâu 18,2 m.
  • Núi ngầm Stewart: Sâu tối thiểu 447 m, nằm rất gần đảo Luzon của Philippines.

Bên trong vùng biển, có hơn 200 đảo và bãi đá ngầm đã được đặt tên, đa số chúng thuộc quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa trải dài trên một vùng rộng 810 km, dài 900 km với khoảng 175 thực thể địa lý đã được xác định; hòn đảo lớn nhất là đảo Ba Bình với chỉ hơn 1,36 km chiều dài và điểm cao nhất là 3,8 mét.

Có một núi ngầm rộng 100 km được gọi là bãi Cỏ Rong (tên tiếng Anh: Reed Bank), nằm ở đông bắc quần đảo Trường Sa, cách biệt khỏi đảo Palawan của Philippines bởi máng biển Palawan. Hiện bãi Cỏ Rong nằm sâu 20 m dưới mực nước biển, song trước kia nó từng là một vùng đất nổi trước khi bị nước biển nhấn chìm vào cuối thời băng hà

Địa chất và tài nguyên Biển Đông

Một vài yếu tố về địa chất và tài nguyên thiên nhiên của Biển Đông như:

Địa chất

Biển Đông được hình thành từ thế Oligocen muộn đến thế Miocen sớm (32-17 triệu năm trước) bằng cơ chế tách giãn đáy đại dương, tiếp tục phát triển như một biển rìa trong suốt đại Kainozoi (đại Tân Sinh) muộn. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về cơ chế thành tạo Biển Đông

Tài nguyên thiên nhiên

Đây là một vùng biển có ý nghĩa địa lý chính trị vô cùng quan trọng. Nó là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hóa thương mại chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok. Hơn 1,6 triệu m³ (10 triệu thùng) dầu thô được chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày, nơi thường xảy ra các vụ hải tặc, nhưng hiện đã giảm nhiều so với giữa thế kỷ XX.

Vùng này đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 1,2 km³ (7,7 tỷ thùng), với ước tính tổng khối lượng là 4.5 km³ (28 tỷ thùng). Trữ lượng khí tự nhiên được ước tính khoảng 7.500 km³.

Theo những nghiên cứu do Sở môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippines, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.

Biển Đông

Tranh chấp biển tại Biển Đông

Có rất nhiều tranh cãi về lãnh hải trên vùng Biển Đông và các nguồn tài nguyên của nó. Bởi Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý (370,6 km) từ lãnh hải của họ, tất cả các nước quanh vùng biển có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền với những phần rộng lớn của nó.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển. Những báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đang phát triển một nhóm tàu sân bay để bảo vệ những đường vận chuyển nhiên liệu ở Biển Đông.

Những vùng có nguy cơ tranh chấp gồm:

  • Indonesia và Trung Quốc về vùng biển phía đông bắc quần đảo Natuna.
  • Philippines và Trung Quốc về những khu khai thác khí gas Malampaya và Camago; về bãi cát ngầm Scarborough.
  • Việt Nam và Trung Quốc về vùng biển phía tây Quần đảo Trường Sa. Một số hay toàn bộ quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp bởi Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và một số nước khác.
  • Quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp bởi Việt Nam và Trung Quốc; Trung Quốc quản lý một phần quần đảo từ năm 1956 và toàn bộ quần đảo từ năm 1974 đến nay.
  • Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam về những vùng ở Vịnh Thái Lan.
  • Singapore và Malaysia dọc theo Eo biển Johor và Eo biển Singapore.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều theo đuổi các tuyên bố chủ quyền một cách mạnh mẽ. Các nước tranh chấp thường xuyên thông báo về các vụ va chạm giữa các tàu hải quân.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Trung Quốc nói riêng luôn muốn đảm bảo rằng những tranh chấp bên trong Biển Đông sẽ không leo thang trở thành xung đột quân sự.

Vì vậy, các cơ cấu phát triển chung (Joint Development Authorities) đã được lập ra tại các vùng tranh chấp chồng lấn để cùng phát triển vùng và phân chia quyền lợi công bằng tuy nhiên không giải quyết vấn đề chủ quyền của vùng đó. Điều này đã trở thành sự thực, đặc biệt là ở Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không ngại dùng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc tăng cường cải tạo các đảo và bãi đá tự nhiên, xây dựng các khu quân sự. Đặc biệt là việc xây dựng các đường băng, càng tăng cường thêm mưu đồ chiếm trọn Biển Đông, thực hiện yêu sách “đường 10 đoạn” (vốn không được quốc gia hay tổ chức nào công nhận).

Những tuyên bố lãnh thổ chồng lấn ở Pulau Pedra Branca hay Pulau Batu Putih của cả Singapore và Malaysia đã được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Tòa án phán quyết theo chiều hướng có lợi cho Singapore.

Vai trò Biển Đông với Việt Nam

Biển Đông là tuyến vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới sau tuyến Địa Trung Hải với khoảng 150 – 200 tàu trọng tải lớn qua lại mỗi ngày. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải qua Biển Đông (70% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc qua Biển Đông).

Biển Đông giàu tài nguyên như dầu, khí đốt và nhiều loại khoáng sản có giá trị như sắt, ti tan, cát thủy tinh, đặc biệt có loại khí đốt gọi là băng cháy với trữ lượng được đánh giá tương đương với trữ lượng dầu khí; nguồn tài nguyên thủy sản to lớn (với hơn 1,000 loài cá, trong đó có 20 loài có giá trị). Biển Đông đem lại cho các quốc gia ven Biển Đông những điều kiện tự nhiên thuận lợi to lớn để xây dựng và phát triển kinh tế.

Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền Thái Bình Dương với ấn Độ Dương; cũng là nơi tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều nước giữa Việt Nam và Trung Quốc (đối với quần đảo Hoàng Sa), giữa Việt Nam, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây (đối với quần đảo Trường Sa) và được quốc tế quan tâm vì liên quan đến vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải.

Nước ta có hơn 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo nằm trên thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; căn cứ theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nước ta có vùng biển bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý (chưa tính vùng biển của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải phù hợp với

Công ước Luật biển 1982. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn với biển như dầu khí, du lịch, thủy sản, giao thông vận tải, đóng tàu… giá trị thu được từ các ngành kinh tế biển chiếm trên 40% GDP của cả nước. Do vậy Biển Đông là vấn đề rất nhạy cảm và liên quan mật thiết đến tình hình an ninh, chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

Tuyên bố của Việt Nam Biển Đông

Trong tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, cùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nêu rõ: lãnh hải của nước Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam.

Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành 1 biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCN Việt Nam tiếp liền lãnh hải việt nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành 1 vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa việt nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Nước CHXHCN Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

Các vùng biển của Việt Nam được xác định trong tuyên bố năm 1977 phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982.

Trên đây là một số thông tin về Biển Đông là gì mà Epacket Việt Nam muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu được vị trí địa lý của Biển Đông và vai trò của nó với Việt Nam!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các thông tin khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Có thể bạn quan tâm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *