Incoterms là gì? Điều kiện, nội dung, yêu cầu mới nhất cần biết

Incoterms là gì? Tại sao các điều khoản này lại quan trọng? Phạm vi của Incoterms là gì? Hiện tại có các điều kiện Incoterm nào được sử dụng phổ biến? Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, việc hiểu và sử dụng các quy tắc và điều khoản giao dịch là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự suôn sẻ và minh bạch trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Trong bài viết này Epacket Việt Nam sẽ giải thích cho các bạn về Incoterms – một hệ thống quy tắc phổ biến được sử dụng trên toàn cầu để xác định trách nhiệm và phân chia rõ ràng giữa người bán và người mua trong các giao dịch quốc tế.

Incoterms là gì

Incoterms là gì?

Incoterms tên tiếng Anh là International Commerce Terms. Đây là tập hợp các quy tắc thương mại quốc tế quy định về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng ngoại thương.

Incoterms là các điều khoản thương mại quốc tế được chuẩn hoá, và được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi.

Các giao dịch mà Incoterms đề cập phải trên phạm vi thương mại quốc tế chứ không phải là các giao dịch trong nước. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Incoterms có những tác động nhất định đến các hoạt động xuất nhập khẩu.

Incoterms quy định tất cả các nhiệm vụ, rủi ro và chi phí liên quan trong quá trình giao dịch mua bán hàng hoá từ bên bán sang bên mua.

Nội dung của Incoterms bao gồm gì?

Nội dung chính của các điều khoản cần kể đến 02 điểm sau:

  • Trách nhiệm của bên mua, bên bán đến đâu
  • Điểm chuyển giao trách nhiệm, chi phí, rủi ro từ người bán sang người mua

Incoterms giúp xác định các trách nhiệm và chi phí của người bán và người mua trong mỗi giai đoạn của quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế. Điều này bao gồm việc xác định ai chịu trách nhiệm về bảo hiểm hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu, chi phí vận chuyển và phân chia rủi ro trong trường hợp hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng.

Incoterms cũng giúp định rõ thời điểm và nơi chuyển giao hàng hóa, từ đó giảm thiểu sự hiểu lầm và tranh chấp trong quá trình thương mại quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh môi trường pháp lý và thương mại đa dạng, khi các bên tham gia có thể có các quy tắc và quy định khác nhau.

Incoterms là gì

Incoterms hình thành thế nào?

Lịch sử hình thành của Incoterms trải qua các giai đoạn:

  • Incoterms do phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) phát hành. Hiện bộ quy tắc này được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, phổ biến nhất là Tiếng Anh. Được bắt đầu soạn thảo năm 1921, Bản Incoterms đầu tiên được ban hành năm 1936. Incoterms đã được tiến hành sửa đổi bổ xung tổng cộng là 06 lần.
  • Các bản Incoterms đều có giá trị pháp lý ngang bằng nhau. Tuy nhiên Thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế có giá trị cao nhất.
  • Mỗi bản Incoterms lại đưa ra một số điều kiện giao hàng khác nhau. Ví dụ: Incoterms 2010 có tất cả 13 điều kiện giao hàng, Incoterms 1936 lại có 06 điều kiện giao hàng khác nhau.

Các điều khoản trong Incoterms

Các điều kiện Incoterm 2020 gồm có 11 điều, chia thành 4 nhóm E, F, C, D, chi tiết tên gọi như sau:

  • Nhóm E – 1 điều khoản: EXW (EX Works) giao hàng tại xưởng
  • Nhóm F – 4 điều khoản: gồm FOB (Free on the Board), FCA (Free Carrier), FAS (Free Alongside)
  • Nhóm C – 3 điều khoản: gồm CRF (Cost and Freight), CIF (Cost Insurance and Freight), CPT (Carriage Paid To), CIP (Cost Insurance Paid to)
  • Nhóm D – 3 điều khoản: DAT (Delivered at Terminal), DAP (Delivered at Place), DDP (Delivered Duty Paid)

Trong 11 điều kiện trên cần lưu ý có 4 điều kiện chỉ áp dụng cho vận tải biển và thủy nội địa (FAS, FOB, CFR, CIF).

7 điều kiện còn lại có thể áp dụng cho mọi phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Incoterms là gì

Các điều kiện Incoterms 2020 phổ biến

Incoterms chia các điều khoản giao dịch thành nhóm và mã hóa bằng ba chữ cái, ví dụ như EXW (Ex Works), FCA (Free Carrier), FOB (Free on Board), CIF (Cost, Insurance and Freight), và DDP (Delivered Duty Paid), và nhiều hơn nữa.

Mỗi thuật ngữ Incoterms đề cập đến một tình huống cụ thể trong quá trình vận chuyển hàng hóa và xác định trách nhiệm và chi phí của người bán và người mua. Dưới đây là bảng thông tin giúp bạn đọc tiếp cận tốt nhất các thuật ngữ Incoterms.

EXW: Ex Works – Giao hàng tại xưởng

Nếu bên bán muốn xuất khẩu nhưng không đủ khả năng làm bất cứ việc gì liên quan đến lô hàng như: thủ tục hải quan, vận tải, mua bảo hiểm… do thiếu kinh nghiệm xuất khẩu thì nên đề nghị ký hợp đồng theo điều kiện EXW.

Với điều kiện này bên bán chỉ cần đặt hàng tại nhà xưởng của mình, bên mua sẽ trả tiền hàng (giá trị Invoice) và cho người đến mang hàng đi.

  • EXW nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa được đặt dưới quyền định đoạt của người mua tại một địa điểm chỉ định (nhà máy hoặc nhà kho), và địa điểm chỉ định có thể là cơ sở của người bán hoặc không.
  • Để giao hàng, người bán không cần bốc xếp hàng lên phương tiện, cũng không cần làm thủ tục hải quan xuất khẩu.
  • Việc giao hàng xảy ra – rủi ro được chuyển giao – khi hàng hóa được đặt dưới quyền định đoạt của người mua (chưa xếp lên phương tiện).
  • EXW là điều kiện Incoterms quy định trách nhiệm tối thiểu của người bán.
  • EXW được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

EXW là gì

FCA: Free Carrier – Giao cho người chuyên chở

Nếu bên bán có khả năng làm thủ tục hải quan xuất khẩu, để thuận tiện bên bán nên nhận làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh là thuế xuất khẩu) và đề nghị ký hợp đồng theo điều kiện FCA. Bên bán thường dự tính trước tiền thuế xuất khẩu phải nộp và tính vào tiền hàng phải thu bên mua.

  • FCA có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua một trong hai cách sau:
  • Khi địa điểm chỉ định là cơ sở của người bán, hàng được giao khi chúng được bốc lên phương tiện vận tải do người mua sắp xếp hoặc
  • Khi địa điểm chỉ định là nơi khác, hàng được giao khi hoàn thành việc bốc xếp lên phương tiện vận tải của người bán và tới địa điểm khác được chỉ định và sẵn sàng để dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải của người bán và đặt dưới quyền định đoạt của người vận tải hoặc người khác do người mua chỉ định.
  • Bất cứ địa điểm nào trong hai địa điểm trên được chỉ định để giao hàng, địa điểm đó xác định nơi chi phí và rủi ro được chuyển giao cho người mua.
  • FCA yêu cầu người bán thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu.
  • B/L ghi chú “on board” trong hợp đồng sử dụng FCA – Để thực hiện tính khả thi của điều kiện FCA đối với những người bán cần một B/L có ghi chú “on board”, FCA của Incoterms 2020 lần đầu tiên quy định nếu hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, người mua phải chỉ định người vận tải phát hành B/L ghi chú “on board” cho người bán.
  • FCA được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

FCA là gì

CPT: Carriage Paid To – Cước phí trả tới

Nếu bên mua muốn nhận hàng như điều kiện FCA nhưng lại không có khả năng thực hiện vận tải hàng thì có thể đàm phán ký hợp đồng theo điều kiện CPT. Bên bán thường dự tính trước các chi phí vận tải phát sinh và tính vào tiền hàng phải thu bên mua.

  • CPT có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua – và chuyển giao rủi ro về hàng hóa cho người mua khi:
  • Hàng được giao cho người chuyên chở được thuê bởi người bán hoặc người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Ngay khi hàng được giao cho người mua như vậy, người bán không đảm bảo hàng sẽ tới điểm đến trong tình trạng tốt và đầy đủ. Rủi ro được chuyển giao từ người bán sang người mua khi hàng được giao cho người mua bằng cách giao cho người chuyên chở.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng từ điểm giao hàng tớ điểm đến được thỏa thuận.
  • CPT được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point ≠ Named place: Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.

CPT là gì

CIP: Carriage & Insurance Paid to – Cước phí và bảo hiểm trả tới

Nếu bên mua muốn nhận hàng như điều kiện CPT nhưng cũng cần thêm việc người bán mua bảo hiểm cho lô hàng thì ký hợp đồng với điều kiện CIP. Bên bán mua bảo hiểm và chịu chi phí bảo hiểm nhưng bên mua chịu rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng trong quá trình vận tải.

  • CIP có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua – và chuyển giao rủi ro về hàng hóa cho người mua khi:
  • Hàng được giao cho người chuyên chở được thuê bởi người bán hoặc
  • Người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Ngay khi hàng được giao cho người mua như vậy, người bán không đảm bảo hàng sẽ tới điểm đến trong tình trạng tốt và đầy đủ. Rủi ro được chuyển giao từ người bán sang người mua khi hàng được giao cho người mua bằng cách giao cho người chuyên chở.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng từ điểm giao hàng tới điểm đến được thỏa thuận.
  • Người bán phải mua bảo hiểm cho hàng hóa (bảo hiểm từ điểm giao hàng tới ít nhất là điểm đến).
  • CIP được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point ≠ Named place: Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.

CIP là gì

FAS: Free Alongside Ship – Giao dọc mạn tàu

Nếu bên bán có thêm khả năng đưa hàng ra cầu tàu tại cảng xuất khẩu, bên bán nên làm việc này (tự chịu chi phí và rủi ro phát sinh phát sinh, tính trước các chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện FAS.

  • FAS có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi:
  • Hàng hóa được đặt dọc mạn tàu được chỉ định bởi người mua tại cảng bốc hàng được chỉ định hoặc
  • Người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng được chuyển giao khi hàng hóa được đặt dọc mạn tàu, và người mua chịu mọi chi phí từ thời điểm đó.
  • FAS yêu cầu người bán thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu.
  • FAS được sử dụng với phương thức vận tải biển.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

FAS là gì

FOB: Free On Board – Giao hàng trên tàu

Nếu bên bán có thêm khả năng đưa hàng lên boong tàu an toàn tại cảng xuất khẩu, bên bán nên làm việc này (tự chịu chi phí và rủi ro phát sinh, tính trước chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện FOB.

  • FOB có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi:
  • Hàng được đặt trên boong tàu được chỉ định bởi người mua tại cảng bốc hàng được chỉ định hoặc
  • Người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng được chuyển giao khi hàng hóa được đặt trên boong tàu, và người mua chịu mọi chi phí từ thời điểm đó.
  • FOB yêu cầu người bán thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu.
  • FOB được sử dụng với phương thức vận tải biển.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

FOB là gì trong xuất nhập khẩu

CFR/ CNF/ C+F/ C&F: Cost and Freight – Tiền hàng và cước phí

Nếu bên bán có thêm khả năng thuê tàu, bên bán nên làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh để thuê tàu đưa hàng tới cảng nhập khẩu, tính trước chi phí này vào tiền hàng – không chịu rủi ro phát sinh) và ký hợp đồng theo điều kiện CFR.

CFR có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi:

  • Hàng được đặt trên boong tàu hoặc
  • Người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng được chuyển giao khi hàng hóa được đặt trên boong tàu, tại thời điểm đó người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng bất kể hàng hóa có đến cảng dỡ trong tình trạng tốt và đầy đủ hay không.
  • Với CFR, người bán không chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa do đó người mua tự thực hiện mua bảo hiểm.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải hàng hóa từ nơi giao hàng tới cảng đến được chỉ định.
  • CFR được sử dụng với phương thức vận tải biển.
  • Delivery point ≠ Named place: Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.

CFR là gì

CIF: Cost, Insurance & Freight – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí

Nếu bên bán có thêm khả năng mua bảo hiểm cho lô hàng khi hàng được vận tải trên tàu biển, bên bán nên làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh để mua bảo hiểm, tính trước chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện CIF.

  • CIF có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi:
  • Hàng được đặt trên boong tàu hoặc
  • Người bán mua lô hàng được giao như vậy để giao hàng cho người mua.
  • Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng được chuyển giao khi hàng hóa được đặt trên boong tàu, tại thời điểm đó người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng bất kể hàng hóa có đến cảng dỡ trong tình trạng tốt và đầy đủ hay không.
  • Với CIF, người bán chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải hàng hóa từ nơi giao hàng tới cảng đến được chỉ định.
  • CIF được sử dụng với phương thức vận tải biển.
  • Delivery point ≠ Named place: Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.

CIF là gì

DAP: Delivered At Place – Giao tại địa điểm

Nếu bên mua không có khả năng hoặc kinh nghiệm đưa hàng về đến nội địa nhập khẩu của mình, bên bán có thể làm thêm việc này (tính trước chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện DAP.

  • DAP có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua – và chuyển giao rủi ro về hàng hóa cho người mua khi hàng được đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải chở đến và sẵn sàng để dỡ tại địa điểm đến được chỉ định.
  • Người bán chịu mọi rủi ro để đưa hàng tới địa điểm đến được chỉ định. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của lô hàng được chuyển giao cho người mua tại điểm giao hàng.
  • Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu và mọi chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng đến địa điểm chỉ định.
  • DAP được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

DAP là gì

DPU: Delivery at Place Unloaded – Giao tại địa điểm đã dỡ xuống

Nếu bên mua không có khả năng hoặc kinh nghiệm đưa hàng về đến kho nhập khẩu đồng thời cũng không có khả năng hoặc kinh nghiệm dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải chở đến, bên bán có thể làm thêm việc này (tính trước chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện DPU.

  • DPU có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua – và chuyển giao rủi ro về hàng hóa cho người mua ngay khi hàng hóa được dỡ xuống từ phương tiện vận tải chở đến và đặt dưới quyền định đoạt của người mua tại địa điểm đến được chỉ định.
  • Người bán chịu mọi rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa để đưa hàng tới điểm đến được chỉ định và dỡ xuống. DPU là điều kiện Incoterms duy nhất yêu cầu người bán dỡ hàng tại điểm đến (người bán chịu chi phí và rủi ro cho việc dỡ hàng xuống).
  • Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu và mọi chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng đến địa điểm chỉ định.
  • DPU được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

DDP: Delivered Duty Paid – Giao đã trả thuế

Nếu bên mua không có khả năng hoặc kinh nghiệm làm thủ tục hải quan nhập khẩu cho lô hàng, bên bán có thể làm thêm việc này (tính trước số tiền thuế nhập khẩu … phải nộp này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện DDP.

  • DDP có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua khi hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan nhập khẩu được đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải chở đến và sẵn sàng để dỡ tại điểm đến được chỉ định.
  • Người bán chịu mọi rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa để đưa hàng tới điểm đến được chỉ định.
  • Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu (bao gồm chi phí làm thủ tục hải quan nhập khẩu) và mọi chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.
  • Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng đến địa điểm chỉ định.
  • DDP được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
  • Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định.

DDP là gì

Mục đích của Incoterms 2020

Mục đích chủ yếu của Incoterms là để giải thích những điều kiện thương mại thông dụng trong ngoại thương. Theo đó, phân chia rõ trách nhiệm, chi phí, và rủi ro trong quá trình chuyển giao hàng từ người bán sang người mua. Nhờ đó các bên tham gia có cách hiểu thống nhất, tránh hoặc giảm thiểu những tranh chấp phát sinh do mỗi bên có cách hiểu khác nhau về một số quyền và trách nhiệm cơ bản của mình.

Vậy có thể tóm lược 3 mục tiêu của Incoterms gồm:

  • Giải thích những điều kiện thương mại thông dụng
  • Phân chia trách nhiệm, chi phí, rủi ro giữa người mua và bán
  • Giảm thiểu tranh chấp, rủi ro do hiểu nhầm

Giả sử nếu không có các điều khoản Incoterms này, hai bên mua bán sẽ phải đàm phán từng chi tiết, và như vậy thì hợp đồng sẽ trở nên dài dòng và mất nhiều thời gian thương thảo. Thay vì vậy, Incoterms quy định sẵn một bộ các quy tắc, kiểu thành block có sẵn với chi tiết kèm theo.

Khi đã lựa chấp thuận sử dụng quy tắc nào, thì coi như đã “tích hợp” những nội dung của quy tắc đó vào hợp đồng, đỡ phải thảo luận dài dòng, mà vẫn đảm bảo tính thông hiểu cao nhất (tất nhiên, không hiểu do yếu nghiệp vụ thì miễn bàn).

Giá trị pháp lý của Incoterms

Incoterms là không nhất thiết trong việc bắt buộc phải thực hiện. Người mua và người bán không phải tuân thủ theo Incoterms, nếu họ không lựa chọn một trong những quy tắc này trong hợp đồng. Các bên có thể thoả thuận theo ý mình và không cần để ý đến thuật ngữ Incoterms.

Dù vậy, vì nhiều lợi ích mà bộ quy tắc đem lại, nếu các bên đã đồng ý áp dụng điều khoản của Incoterms thì phải tuân thủ theo. Nếu không sẽ bị coi như là vi phạm hợp đồng, và xử lý theo điều khoản vi phạm của hợp đồng mua bán mà các bên đã thoả thuận.

Incoterms là gì

Lưu ý khi sử dụng điều kiện Incoterms

Những đặc điểm cần lưu ý của Incoterms mà bạn nên biết như:

Incoterms không mang tính bắt buộc

Cần lưu ý rằng Incoterms không phải là luật, nên những quy tắc đề ra không có tính chất bắt buộc. Đó là những tập quán thương mại nhiều hơn là những luật lệ buộc phải tuân theo trong mọi trường hợp. Nghĩa là bạn có thể sử dụng những quy tắc trong Incoterms như những quy tắc tham khảo cho việc mua bán quốc tế.

Chỉ khi bên bán và bên mua đồng ý sử dụng quy tắc nào đó trong Incoterms và đưa vào trong bản hợp đồng mua bán, lúc đó nội dung của quy tắc áp dụng mới mang tính ràng buộc. Một khi đã được thống nhất áp dụng, các bên giao dịch phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với những quy tắc này.

Có nhiều phiên bản cùng tồn tại

Incoterms có nhiều phiên bản, mà các phiên bản sau không phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản trước đó. Điều này đòi hỏi khi sử dụng Incoterms trong hoạt động thương mại quốc tế, các bạn phải nêu rõ ràng cụ thể tên phiên bản mà mình áp dụng. Có như vậy các bên liên quan mới có thể thông hiểu, đối chiếu, xác định, và cam kết trách nhiệm.

Các phiên bản của Incoterms ban hành vào các năm: 1936, 1953 (được sửa đổi vào năm 1967 và 1976), 1980, 1990, 2000, và 2010.

Thực tế, nhiều đơn vị hay quên không đề cập đến phiên bản Incoterms đang sử dụng trong quá trình làm hợp đồng. Điều này nếu không được chỉnh sửa kịp thời, thì có thể gây ra không ít rắc rối cho việc đối chiếu, xác minh tính hiệu lực của các điều khoản trong hợp đồng.

Chỉ xác định thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa

Các quy tắc của Incoterms chỉ được dùng để xác định thời điểm chuyển giao rủi ro, trách nhiệm, chi phí từ người mua đến người bán.

Những nội dung khác về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa, hay những hậu quả có thể có khi vi phạm hợp đồng đều không được đề cập đến, nghĩa là chưa được bao gồm trong Incoterms. Vì thế, ở các điều khoản khác của hợp đồng, những vấn đề này nên được thỏa thuận rõ ràng.

Mất hiệu luật trước luật địa phương

Nhiều doanh nghiệp mới làm xuất nhập khẩu phụ thuộc vào các quy tắc trong Incoterms mà quên mất những luật lệ của quốc gia hay vùng lãnh thổ tham gia mua bán.

Cần lưu ý rằng các điều kiện trong Incoterms có thể bị mất hiệu lực nếu trái với luật địa phương. Do đó, các bên cần nghiên cứu và phải tuân thủ luật địa phương trong quá trình thương thảo và thực hiện hợp đồng mua bán.

Giữ nguyên bản chất điều kiện cơ sở giao hàng

Khi áp dụng các quy tắc trong Incoterms, chúng ta cần nắm rõ bản chất điều kiện cơ sở giao hàng, và cũng cần phân biệt rõ điều này với nghĩa vụ, trách nhiệm thực tế của các bên trong hợp đồng. Bởi lẽ, tùy theo vị thế mạnh yếu mà mỗi bên có thể đàm phán để tăng thêm hoặc giảm bớt quyền lợi và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên trong quá trình thương thảo như vậy, hai bên cần đảm bảo không được làm thay đổi bản chất điều kiện cơ sở giao hàng.

Quy tắc mang tính bao quát

Các quy tắc trong Incoterms chủ yếu hướng đến những vấn đề chung có liên quan đến việc giao hàng. Còn những vấn đề khác như giá cả hàng hóa, phương thức thanh toán, các yêu cầu về bốc dỡ hàng hóa, lưu kho… thì hoàn toàn không quy định trong Incoterms, và do đó cần được quy định cụ thể và rõ ràng trong hợp đồng.

Các thuật ngữ trong Incoterms 2020

Một số thuật ngữ tiếng anh thường dùng trong Incoterms như:

  • agreed destination: nơi đến thỏa thuận
  • agreed place: nơi thỏa thuận
  • at its own risk and expense: phải tự chịu rủi ro và phí tổn
  • at the buyer’s request, risk and expense: khi người mua yêu cầu, chịu chi phí và rủi ro
  • at the buyer’s risk and expense: với rủi ro và chi phí do người mua chịu
  • at the disposal of the buyer: đặt dưới sự định đoạt của người mua
  • before the contract of sale is concluded: trước khi hợp đồng được ký kết
  • carry out all customs formalities for the export of the goods: làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa
  • clear the goods for export: làm thủ tục thông quan xuất khẩu
  • commodities: Hàng nguyên liệu đồng nhất
  • container terminal: bến container
  • cost of handling and moving the goods: chi phí xếp dỡ và di chuyển hàng hóa
  • critical points: điểm tới hạn, điểm phân chia trách nhiệm và chi phí giữa hai bên
  • delivery document: chứng từ giao hàng
  • electronic records or procedure: Chứng từ hoặc quy trình điện tử
  • for the account of the seller: do người bán chịu
  • fulfils its obligation: hoàn thành nghĩa vụ
  • guidance note: Hướng dẫn sử dụng
  • import clearance: thủ tục thông quan nhập khẩu
  • incurred by the seller: mà người bán đã chi
  • information that the buyer needs for obtaining insurance: những thông tin mà người mua cần để mua bảo hiểm
  • latter stage: thời điểm muộn hơn
  • load the goods from any collecting vehicle: bốc hàng lên phương tiện vận tải
  • make arrangement for the carriage of the goods: tổ chức việc vận chuyển hàng hóa
  • manufactured goods: hàng hóa sản xuất công nghiệp
  • match this choice precisely: phù hợp với địa điểm này
  • named place of destination: nơi đến chỉ định
  • on board the vessel: xếp lên tàu
  • otherwise agreed between the parties: trừ khi có thỏa thuận khác giữa hai bên
  • over which the buyer has no control: qua địa điểm đó người mua không có quyền kiểm soát
  • physical inspection obligation: nghĩa vụ kiểm tra thực tế
  • place of destination: nơi đến
  • point within the named place of delivery: địa điểm tại nơi giao hàng chỉ định
  • precise point in the place of destination: một điểm cụ thể tại nơi đến
  • procure goods shipped: mua hàng đã gửi
  • provided that the goods have been clearly identified as the contract goods: với điều kiện là *hàng đã được phân biệt rõ là hàng của hợp đồng/hàng đã được xác định đúng như hàng trong hợp đồng
  • ready for unloading: sẵn sàng để dỡ khỏi phương tiện vận tải
  • receipt: biên lai
  • risks of loss of or damage to the goods: rủi ro bị mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa
  • specific points/named place of delivery: địa điểm cụ thể tại nơi giao hàng chỉ định
  • stowage of packaged goods: sắp xếp hàng hóa có bao bì
  • string sales: Bán hàng theo chuỗi
  • terminal handling charges: phí xếp dỡ tại bến bãi (THC)
  • terminal operator: người điều hành bến bãi
  • the named place of destination: nơi đến được chỉ định
  • the named place: nơi được chỉ định
  • the named terminal: bến được chỉ định
  • the parties are well advised to specify as clearly as possible: Các bên nên quy định càng rõ càng tốt
  • the point of delivery: địa điểm giao hàng
  • unloaded from the arriving vehicle: đã dỡ khỏi phương tiện vận tải
  • when a ship is used as a part of the carriage: khi một phần chặng đường được vận chuyển bằng tàu biển
  • whether one or more mode of transportation: sử dụng một hay nhiều phương thức vận tải.
  • within the named place of delivery destination/ several points: tại nơi giao hàng chỉ định có nhiều địa điểm có thể giao hàng

Điều kiện Incoterms giải thích những điều kiện thương mại được viết tắt bằng ba chữ cái, thể hiện tập quán giao dịch giữa các doanh nghiệp trong các hợp đồng mua bán hàng hóa. Điều kiện Incoterms chủ yếu mô tả các nghĩa vụ, chi phí và rủi ro trong quá trình hàng hóa được giao từ người bán sang người mua.

Trên thương trường quốc tế, việc hiểu và áp dụng đúng các quy tắc và điều khoản giao dịch là quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và thành công trong các giao dịch. Incoterms đã được thiết kế để giúp định rõ trách nhiệm và phân chia chi phí trong quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế, từ đó giảm thiểu rủi ro và tranh chấp.

Trên đây là thông tin về Incoterms là gìEpacket Việt Nam đã tổng hợp. Hy vọng qua nội dung trên bạn sẽ hiểu hơn về điều kiện trong xuất nhập khẩu hàng hóa này.

Nếu quan tâm tới các giải pháp gửi hàng đi quốc tế hãy liên hệ cho chúng tôi để được giải đáp sớm nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *