DAP là gì? Điều kiện DAP theo Incoterms 2020 bao gồm những gì? Vai trò và trách nhiệm của người mua và người bán tại DAP trong xuất nhập khẩu hàng hóa ra sao?
Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, việc hiểu và áp dụng đúng các điều khoản giao nhận hàng hóa là rất quan trọng để đảm bảo mọi bên trong giao dịch được định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình.
Vậy sau đây hãy cùng Epacket Việt Nam tìm hiểu chi tiết DAP là gì qua nội dung sau nhé!
DAP là gì?
DAP là viết tắt của Delivered at Place, có nghĩa là giao tại nơi đến. Đây là thuật ngữ trong thương mại quốc tế quy định cụ thể các nghĩa vụ, chi phí và rủi ro tương ứng liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa từ người bán sang người mua theo tiêu chuẩn Incoterms do Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce – ICC) công bố. Điều kiện Incoterms này được áp dụng cho nhiều phương thức vận tải khác nhau.
Khi đó người bán sẽ chuyển giao hàng hóa và rủi ro sang cho người mua khi hàng được đặt dưới quyền định đoạt của người mua, trên phương tiện vận tải đã ở địa điểm đích nhắc đến trong hợp đồng, sẵn sàng để dỡ xuống.
Người bán chịu trách nhiệm về mọi rủi ro và chi phí để đưa được hàng đến địa điểm giao hàng đã thống nhất định sẵn trong hợp đồng. Bên bán và bên mua nên có sự cân nhắc chỉ ra một điểm giao hàng chuẩn xác nhất, càng chi tiết càng tốt, chính bởi:
- Đây vừa là địa điểm chuyển giao rủi ro vừa là địa điểm chuyển giao chi phí giữa bên bán và bên mua
- Người bán phải làm hợp đồng vận tải để thuê bên vận tải đưa hàng đến địa điểm giao hàng nên tốt nhất địa điểm này cần rõ ràng, cụ thể.
Đặc điểm nổi bật của DAP Incoterms 2020
Dưới đây là các đặc điểm đặc trưng của điều kiện DAP doanh nghiệp cần chú ý:
- Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu và mọi chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.
- Người bán chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan đến việc vận chuyển hàng đến địa điểm chỉ định tại nước người mua (từ đóng gói, phí tải, vận chuyển nội địa, vận chuyển lên tàu, bảo hiểm,… cho đến khi đến địa điểm người mua chỉ định). Vì vậy, các bên nên quy định càng rõ càng tốt về địa điểm cụ thể tại nơi đến thỏa thuận vì người bán chịu mọi rủi ro tới địa điểm đó. Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó. Nếu người bán, theo hợp đồng vận tải phải trả chi phí dỡ hàng ở nơi đến thì người bán không có quyền đòi lại khoản phí này từ người mua, trừ khi có thỏa thuận khác giữa hai bên.
- Điều kiện DAP yêu cầu người bán làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nếu có.
- Người bán không có nghĩa vụ làm thủ tục thông quan nhập khẩu, trả thuế nhập khẩu hoặc làm các thủ tục thông quan nhập khẩu. Nếu các bên muốn người bán làm thủ tục thông quan nhập khẩu, trả thuế và chi phí liên quan đến nhập khẩu thì nên sử dụng điều kiện DDP.
- Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng đến địa điểm chỉ định.
- DAP được sử dụng với mọi phương thức vận tải.
- Địa điểm giao hàng cũng chính là địa điểm chỉ định. Trong hợp đồng DAP cần nêu rõ địa điểm giao nhận
- Khác biệt giữa các điều kiện nhóm DAP (Delivered at Place) và DPU (Delivered at Place Unloaded) về cơ bản giống nhau, chỉ có điểm khác nhau duy nhất là hàng hóa đã được dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải (DPU) hay hàng hóa chỉ sẵn sàng để dỡ (DAP). Và trong cả 2 điều kiện, người mua đều phải chịu chi phí về thuế, hải quan. Còn đối với DDP, người bán sẽ phải đảm bảo tất cả mọi trách nhiệm.
Khoản phí các bên phải chịu trong DAP
Các khoản phí mà người bán và người mua phải chịu bao gồm:
Người bán | Người mua |
Chi phí làm thủ tục xuất khẩu | Chi phí làm thủ tục nhập khẩu: thuế nhập khẩu, xin giấy phép nhập khẩu, các chi phí khác nếu phát sinh vấn đề liên quan đến giấy phép |
Mọi chi phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa cho tới khi giao hàng trừ các chi phí do người bán chịu như là các chi phí làm thủ tục nhập khẩu | Mọi chi phí liên quan đến hàng hóa kể từ khi nhận hàng |
Chi phí dỡ hàng nếu nó nằm trong hợp đồng vận tải | Chi phí dỡ hàng nếu chi phí này chưa nằm trong hợp đồng vận tải mà người bán kí kết |
Các chi phí giao chứng từ cho người mua. | Chi phí dỡ hàng nếu chưa nằm trong hợp đồng vận tải người bán kí. |
Trong đó:
- Bảo hiểm hàng hóa trong DAP Incoterms 2020: Không bên nào có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm hàng hóa theo điều kiện DAP Incoterms 2020.
- Về việc chuyển giao hàng hóa: Với điều kiện DAP Incoterms 2020, việc chuyển giao hàng hóa được coi là hoàn thành khi người bán đưa được hàng đến tại điểm giao hàng đã quy định vào thời gian đã thỏa thuận, sẵn sàng để dỡ xuống từ phương tiện vận tải. Người mua sẽ lo việc dỡ hàng và chịu trách nhiệm từ đó.
Cách sử dụng điều kiện DAP Incoterms 2020
Hướng dẫn sử dụng điều kiện DAP trong giao thương hàng hóa:
Về phương thức vận tải
Điều kiện này sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.
Chuyển giao hàng hóa và rủi ro (DAP – Delivered at Place)
Giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định. Các bên nên quy định càng rõ ràng càng tốt về địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định.
Bởi vì thứ nhất, rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển sang cho người mua tại điểm giao hàng,thế nên tốt nhất là hai bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng thuộc nơi giao hàng. Thứ hai, người bán chịu mọi chi phí để đưa hàng đến điểm giao hàng, tức là đây cũng đồng thời là điểm chuyển giao chi phí từ người bán sang người mua.
Cuối cùng, địa điểm này là nơi mà người bán phải ký kết hợp đồng vận tải để đưa được hàng đến đó. Nếu xảy ra vấn đề gì với hàng hóa trước khi hàng tới điểm giao hàng, mọi tổn thất sẽ do người bán chịu. Ví dụ người bán sẽ phải chịu tất cả các loại phí phát sinh mà người vận chuyển thu trong quá trình vận tải. Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó.
Chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định
Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này,trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.
Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
Điều kiện DAP yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, nếu cần. Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu. Nếu xảy ra trường hợp người mua không thông quan được nhập khẩu, hàng hóa sẽ bị giữ lại ở cảng hoặc ở bãi tại nước nhập khẩu.
Vậy ai sẽ chịu rủi ro cho việc mất mát và hư hỏng hàng hóa có thể xảy ra khi hàng hóa bị giữ lại? Câu trả lời sẽ là người mua chịu, và chịu cho tới khi hàng hóa được chuyển tới 1 địa điểm nằm trong nội địa nước nhập khẩu, từ đây người bán lại tiếp tục chịu rủi ro và chi phí với mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa cho tới khi giao hàng.
Điều này được quy định rõ theo mục B3(a). Nếu hai bên cảm thấy người xuất khẩu có thể thông quan và làm thủ tục nhập khẩu, để tránh tình trạng trên xảy ra, hai bên có thể cân nhắc sử dụng điều kiện DDP.
Cách thể hiện DAP Incoterms trên hợp đồng ngoại thương:
- Cách thể hiện điều kiện DAP trên hợp đồng ngoại thương: DAP [nơi đến quy định] Incoterms 2020
- Ví dụ: DAP 123 Nguyen Van Linh, District 7, Ho Chi Minh, Viet Nam Incoterms 2020
Nghĩa vụ của người bán và người mua
Trong điều kiện DAP Incoterms 2020 thì người mua và người bán có vai trò và trách nhiệm như sau:
Nghĩa vụ của người bán (Seller)
Trong đó các thông tin người bán cần nắm được:
Nghĩa vụ chung của người bán
Người bán phải cung cấp hàng hóa và hóa đơn thương mại phù hợp với hợp đồng mua bán và cung cấp tất cả bằng trứng phù hợp mà hợp đồng có thể đòi hỏi.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người bán đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
Giao hàng
Người bán phải giao hàng bằng cách đặt hàng dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đến và sẵn sàng để dỡ tại địa điểm đến chỉ định (nếu có), tại nơi đến quy định vào ngày hoặc trong thời hạn quy định.
Chuyển giao rủi ro
Người bán chịu mọi rủi ro về tổn thất hay mất mát đối với hàng hóa đến khi hàng hóa được giao theo mục A2, trừ những trường hợp mất mát hay hư hỏng được đề cập ở mục 3.
Vận tải
Người bán phải chịu chi phí ký hợp đồng vận tải để chuyên chở hàng hóa tới nơi đến quy định hoặc địa điểm chỉ định tại nơi đến quy định. Nếu không thỏa thuận được địa điểm cụ thể hoặc không quyết định được theo tập quán, thì người bán có thể chọn một địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định phù hợp nhất với mục đích của mình.
Bảo hiểm
Người bán không có nghĩa vụ với người mua về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Chứng từ giao hàng/vận tải
Bằng chi phí của mình người bán phải cung cấp cho người mua chứng từ để người mua có thể nhận được hàng.
Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
Về vấn đề thông quan thì bạn cần lưu ý:
Về thông quan xuất khẩu và quá cảnh:
Nếu cần, người bán phải làm và chi trả mọi chi phí liên quan đến việc làm thủ tục hải quan xuất khẩu và quá cảnh (nếu có quá cảnh ở nước thứ ba) được quy định ở nước xuất khẩu và nước quá cảnh, như là:
- Giấy phép xuất khẩu/quá cảnh;
- Kiểm tra an ninh với hàng hóa khi xuất khẩu/quá cảnh;
- Giám định hàng hóa khi xuất khẩu/quá cảnh; và
- Bất kỳ quy định pháp lý nào.
Hỗ trợ việc làm thủ tục nhập khẩu:
Nếu cần, người bán phải hỗ trợ người mua khi người mua yêu cầu, rủi ro và chi phí do người mua chịu để lấy các chứng từ/thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu, bao gồm cả các thông tin an ninh và việc giám định hàng hóa, được quy định ở nước nhập khẩu.
Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người bán cần phải trả các chi phí về việc kiểm tra (như kiểm tra chất lượng, cân, đo, đếm) cần thiết để giao hàng theo quy định ở mục A2.
Người bán phải đóng gói hàng hóa và chịu chi phí về việc đó trừ khi thông lệ của ngành hàng quy định cụ thể hàng hóa được gửi đi không cần đóng gói.
Người bán phải đóng gói và ký mã hiệu hàng hóa phù hợp với phương thức vận tải, trừ khi hai bên đã đồng ý cụ thể về cách đóng hàng và ký mã hiệu khi hợp đồng được ký kết.
Phân chia chi phí
Người bán phải trả:
- Toàn bộ mọi chi phí liên quan đến hàng hóa cho tới khi chúng được giao cho người mua theo mục A2, trừ những khoản do người mua trả theo mục B9;
- Chi phí cung cấp bằng chứng cho người mua theo mục A6 rằng hàng hóa đã được giao;
- Chi phí về làm thủ tục hải quan cần thiết để xuất khẩu/quá cảnh, nếu có, nộp thuế xuất khẩu và bất kì chi phí nào khác phải trả khi xuất khẩu/quá cảnh theo như mục A7(a);
- Trả cho người mua tất cả các chi phí và phụ phí liên quan đến việc hỗ trợ người bán trong việc lấy chứng từ và thông tin cần thiết theo mục B7(a) và B5.
- Chi phí liên quan đến dỡ hàng tại điểm đích nếu như chúng thuộc hợp đồng vận tải người bán ký kết.
Thông báo cho người mua
Người bán phải thông báo cho người mua bất kỳ thông tin nào cần thiết để tạo điều kiện cho người mua có thể nhận hàng.
Nghĩa vụ của người mua (Buyer)
Các thông tin nghĩa vụ người mua (Buyer) cần biết:
Nghĩa vụ chung của người mua
Người mua phải thanh toán tiền hàng như quy định trong hợp đồng mua bán.
Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người mua đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.
Nhận hàng
Người mua hàng phải nhận hàng khi hàng đã được giao theo mục A2.
Chuyển giao rủi ro
Người mua hàng phải chịu mọi rủi ro liên quan đến việc mất mát hay hỏng hóc hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2.
Nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan đến thông quan nhập khẩu theo như mục B7, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro và chi phí liên quan đến việc mất mát hay hư hỏng hàng hóa, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
Nếu người mua không kịp thời thông báo cho người bán theo mục B10, thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro mất mát hoặc thiệt hại về hàng hóa kể từ ngày quy định hoặc ngày cuối cùng của thời hạn quy định cho việc giao hàng, với điều kiện là hàng đã được phân biệt rõ ràng là hàng của hợp đồng.
Vận tải
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc lập hợp đồng vận tải.
Bảo hiểm
Người mua không có nghĩa vụ với người bán về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu người bán yêu cầu và chịu rủi ro và chi phí, thì người mua cần cung cấp thông tin cần thiết để người bán có thể mua bảo hiểm.
Bằng chứng của việc giao hàng
Người mua phải chấp nhận chứng từ vận tải được cung cấp theo như mục A6.
Thông quan xuất khẩu/nhập khẩu
Trong đó:
- Hỗ trợ việc thông quan xuất khẩu và quá cảnh: Nếu cần, người mua phải hỗ trợ người bán khi người bán yêu cầu, do người bán chịu rủi ro và chi phí, lấy các chứng từ/thông tin liên quan đến việc thông quan xuất khẩu/quá cảnh, kể cả các thông tin an ninh hay giám định được quy định bởi nước xuất khẩu/quá cảnh.
- Thông quan nhập khẩu: Nếu cần, người mua phải làm và trả các chi phí liên quan đến việc thông quan được quy định tại nước nước nhập khẩu, như là:
- Giấy phép nhập khẩu;
- Kiểm tra an ninh cho việc nhập khẩu;
- Giám định hàng hóa; và
- Bất kỳ quy định pháp lý nào.
Kiểm tra – Đóng gói, bao bì – Ký mã hiệu
Người mua không có nghĩa vụ gì với người bán.
Phân chia chi phí
Người mua phải:
- Trả mọi chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa từ thời điểm hàng được giao theo mục A2;
- Mọi chi phí cần thiết để dỡ hàng hóa xuống tại địa điểm giao hàng, trừ khi chúng nằm trong hợp đồng vận tải mà người bán ký kết;
- Hoàn trả tất cả chi phí và lệ phí mà người bán đã chi ra khi giúp người mua theo mục A7(b);
- Nếu có quy định, trả tất cả các thứ thuế, lệ phí và các chi phí khác cũng như chi phí làm thủ tục hải quan để nhập khẩu cho như mục B7(b);
- Hoàn trả bất kỳ chi phí phát sinh nào do người bán trả nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo thư mục B7 hoặc không hoàn thành việc thông báo cho người bán theo mục B10, với điều kiện hàng hóa đã được xác định là hàng hóa của hợp đồng.
Thông báo cho người bán
Trong trường hợp người mua có quyền quyết định về thời gian giao hàng và/hoặc địa điểm đến hoặc điểm nhận hàng tại nơi đến đó, người mua phải thông báo cho người bán đầy đủ về việc đó.
Trên đây là thông tin về DAP Incoterms 2020 trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà Epacket Việt Nam đã tổng hợp. Hy vọng qua nội dung trên bạn sẽ hiểu hơn về thuật ngữ này.
Nếu quan tâm tới các thông tin khác về giao thương quốc tế và nội địa thì hãy đón đọc bài viết mới của chúng tôi nhé!
Xem thêm:
- FCA là gì? Điều kiện, lưu ý và trách nhiệm FCA Incoterms 2020
- EXW là gì? Phí Ex Works trong xuất nhập khẩu áp dụng khi nào?
- Proforma Invoice là gì? Hóa đơn chiếu lệ được phát hành khi nào?