Công ty cổ phần giao nhận ISO Logistics

Đăng nhập        Đăng ký

A13, Lô 4 KĐT Định Công

Hoàng Mai, Hà Nội

0366555888

Hỗ trợ Online 24/7

Mon - Sun: 8:00 - 18:30

Thời gian làm việc

Nam Đại Dương Trở Thành Đại Dương Thứ Năm

Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ cuối cùng cũng công nhận Nam Đại Dương ở Nam Cực là đại dương thứ 5 trên bản đồ của họ, cùng với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

Nam Đại Dương

được xác định nhờ dòng hải lưu chảy xung quanh châu Nam Cực, tiếp giáp với Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 của Trái Đất vào ngày 8/6 – Ngày Đại dương Thế giới. Ngày này được Liên Hợp Quốc (UN) đề ra nhằm nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của đại dương với sự sống trên Trái Đất.

Nam Đại Dương là mái nhà quan trọng của các hệ sinh thái biển và là trung tâm Nam bán cầu. Đại dương này bao quanh Nam Cực, trải rộng từ đường bờ biển của châu lục này đến 60 độ vĩ nam, không gồm eo biển Drake và biển Scotia. Nam Đại Dương tiếp giáp với 3 trong số 4 đại dương khác trên Trái Đất: Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nam Đại Dương

Điểm đặc biệt của Nam Đại Dương so với 4 “anh em” khác là thay vì được xác định dựa vào vùng đất bao quanh, nơi này lại xác định nhờ một dòng hải lưu.

Ranh giới 60 độ vĩ nam của Nam Đại Dương gần trùng với ranh giới của Hải lưu Vòng Nam Cực (ACC). ACC, ước tính khoảng 34 triệu năm tuổi, mang đến dòng nước lạnh và ít mặn hơn so với phần phía bắc. ACC giúp hệ sinh thái Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài sinh vật.

ACC cũng đóng vai trò quan trọng với khí hậu Trái Đất. Trải dài từ bề mặt xuống tới đáy đại dương, hải lưu này vận chuyển nhiều nước hơn bất kỳ dòng hải lưu nào khác. Nó kéo nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giúp lưu chuyển nhiệt quanh hành tinh. Phần nước lạnh và đặc chìm xuống ngoài khơi Nam Cực cũng giúp giữ lại carbon dưới vùng biển sâu.

Tuy nhiên, nước di chuyển qua ACC đang dần ấm lên. NGS hy vọng việc công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 sẽ giúp đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), nhiệt độ nước dao động từ -2 độ C đến 10 độ C. Nếu Nam Đại Dương ấm lên 2 độ C, lượng băng che phủ ở các khu vực quan trọng có thể giảm tới 30%.

Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng công nhận Nam Đại Dương. Trong khi đó, Ủy ban Địa danh Mỹ (BGN) đã công nhận đại dương này từ năm 1999.

Năm 2000, khi ranh giới của Nam Đại Dương được đề xuất với Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO), tổ chức theo dõi và lập bản đồ các biển và đại dương trên thế giới, không phải mọi nước thành viên đều đồng ý. Dù còn một số tranh luận về ranh giới, nhiều thành viên IHO cùng đồng ý rằng vùng nước xung quanh Nam Cực rất khác biệt.

NGS bắt đầu lập bản đồ về các khu vực trên thế giới từ năm 1915. Ngoài công nhận Nam Đại Dương, NGS cũng đang cập nhật các bản đồ của mình. Hiệp hội này cho biết, Nam Đại Dương sẽ được đối xử như 4 đại dương cũ và xuất hiện trong những tài liệu cho trẻ em.

Vị trí:

Nam Đại Dương thực chất là vùng biển bao quanh Nam Cực, nằm ở Nam bán cầu, vĩ tuyến 60 độ Nam. Nó là sự kết hợp một phần của vùng biển Nam Đại Tây Dương, Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tên gọi:

Nam Đại Dương, còn được gọi là Nam Cực Đại Dương, Nam Cực hoặc Đại Dương Áo. Đây chính là đại dương trẻ nhất vì nó được hình thành “chỉ” 30 triệu năm trước khi lục địa Nam Mỹ và Nam Cực tách rời nhau.

Kích thước:

Nam Đại Dương là đại dương lớn thứ tư (hoặc nhỏ thứ hai) trên Trái đất, chỉ bao phủ vỏn vẹn 6% bề mặt hành tinh của chúng ta.

Độ sâu:

Độ sâu trung bình khoảng của Nam Đại Dương là 3.200m. Điểm sâu nhất ở Nam Đại Dương là ở rãnh South Sandwich với độ sâu hơn 7.000m.

Sự nguy hiểm:

Băng trôi có thể bắt gặp trên bề mặt của Nam Đại Dương vào bất kỳ mùa nào trong năm. Từ tháng 5 đến tháng 10, khu vực này có gió thổi mạnh, khiến việc đi lại bằng tàu bè là hết sức nguy hiểm.

Nhiệt độ:

Nhiệt độ nước biển của Nam Đại Dương dao động từ -2 độ C đến 10 độ C, dao động theo mùa. Điều thú vị là bờ biển Nam Cực cũng có một số khu vực không có băng, ngay cả trong mùa đông.

Du khách:

Nhiệt độ thấp và sự phân bố của những tảng băng trôi trong khu vực không ngăn cản được khách du lịch tới đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cực Nam của Trái đất. Ước tính có hơn 50.000 khách du lịch ghé thăm Nam Đại Dương mỗi năm.

Nam Đại Dương

Động vật hoang dã:

Nam Đại Dương được phát hiện là nơi sinh sống của chim cánh cụt hoàng đế, chim hải âu lang thang, cá voi xanh, hải cẩu lông và cả những con mực khổng lồ có chiều dài lên đến 15m.

Bến cảng:

Chỉ có một số ít cảng biển ở Nam Đại Dương, đa số thuộc về các trạm nghiên cứu, chẳng hạn như Trạm Rothera (cơ sở nghiên cứu của Anh), Trạm Palmer (Hoa Kỳ), Trạm Mawson (Úc). Di chuyển tới những cảng này là tương đối khó khăn vào mùa đông, khi băng dày.

Con người:

Không hề có người bản địa trên Nam Cực. Tại lục địa lạnh nhất hành tinh này chỉ có các trạm nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng những nhà nghiên cứu, nhà khoa học và thám hiểm cùng gia đình của họ chỉ làm việc và sinh sống ở đó trong một thời gian nhất định.

Trên đây là một số thông tin về Nam Đại Dương mà Epacket.vn muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về Nam Đại Dương cũng như tiền thân của Phật  ở nơi này nhé!

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các thông tin khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!